Cô Phạm Minh Thùy sinh năm 1984 trong một gia đình nông dân ở xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (năm 2002 thành lập huyện Cù Lao Dung, xã An Thạnh Nhì được chia thành xã An Thạnh 2 và An Thạnh Đông).
Năm 2007, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng, cô Thùy được phân công về giảng dạy ở Trường Tiểu học Thị trấn Cù Lao Dung cho đến nay. Được trở về công tác ở nơi mình đã sinh ra, lớn lên là niềm vui, niềm hạnh phúc của cô giáo trẻ Minh Thùy dù đồng lương nhà giáo mới vào nghề lúc đó còn eo hẹp, lại phải thuê nhà trọ ở để thực hiện “ước mơ xanh”. Khó khăn vất vả là vậy nhưng cô giáo trẻ này đã vượt qua tất cả.
Cô Minh Thùy kể: Nơi tôi công tác là một trường thuộc vùng cù lao sông nước, điều kiện đặc biệt khó khăn do cơ sở vật chất, phương tiện dạy học còn nhiều thiếu thốn. Học sinh đa số là con em nông dân nghèo, năng lực học không đồng đều. Những năm đầu về công tác, tôi được phân công phụ trách lớp phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mà đặc thù của lớp phổ cập là các em có nhiều độ tuổi, khả năng học tập và hoàn cảnh gia đình khác nhau. Là giáo viên phụ trách lớp nên việc chuẩn bị chương trình giảng dạy cho từng độ tuổi và năng lực phù hợp với các em đối với tôi là vô cùng khó khăn. Với điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, bên cạnh điều kiện đi lại của một số em rất khó khăn, nên có khi một buổi dạy trên lớp, buổi còn lại tôi phải đi bộ vào khu vực sâu trong dân cư để vận động học sinh đi học. Đến khi các em được trở lại lớp, tôi phải cố gắng nhiều hơn để vừa dạy những học sinh đi học đều, những học sinh học còn chậm và vừa giúp các em thường xuyên nghỉ học bù lại kiến thức để theo kịp các bạn. Đối với các em chưa theo kịp bạn tôi phải mở lớp phụ đạo riêng tại nơi tôi ở trọ. Do phòng trọ có diện tích nhỏ mà học trò ngày càng đông không đủ chỗ ngồi cho cô trò dạy và học, nên có hôm tôi phải đưa các em đến Chùa xin được ngồi nhờ bàn ghế bên hiên chùa để học. Sự cố gắng và tình thương yêu của tôi dần dần được gia đình học sinh và các em đón nhận và các em luôn cố gắng học tập. Kết quả vào cuối mỗi năm học, các lớp tôi dạy đều duy trì tốt sĩ số, đủ điều kiện lên lớp, số học sinh đạt thành tích tốt trong học tập và rèn luyện đạt tỉ lệ cao.
Trong quá trình giảng dạy, cô luôn tìm tòi những cái hay, cái mới để vận dụng nhằm giúp các em học sinh dễ hiểu bài, nhớ lâu hơn.Để việc dạy học đạt kết quả tốt, cô Thùy luôn đặt tình yêu thương học sinh lên hàng đầu. Theo cô, khi được yêu thương các em sẽ giúp giáo viên linh hoạt hơn trong việc tìm các biện pháp giúp đỡ các em và khi học sinh cảm nhận được tình yêu thương của cô sẽ giúp các em có động lực học tốt hơn.
Ngoài việc dạy học sinh học tập và rèn luyện tốt, cô còn tích cực hướng dẫn các em tham gia tốt các phong trào do nhà trường và cấp trên phát động. Qua từng năm học, lớp học do cô chủ nhiệm có nhiều em đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Bên cạnh đó, các em cũng đạt rất nhiều giải Nhất, Nhì, Ba trong các hội thi như: Viết chữ đẹp, An toàn giao thông, Văn nghệ, Thể thao, Kể chuyện Bác Hồ v.v…do huyện và tỉnh tổ chức.
“Để việc dạy học được tốt hơn từng ngày, bản thân tôi nhận thấy kiến thức là vô tận, học bao nhiêu cũng không đủ nên vừa giảng dạy, tôi tự tìm tòi nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ vào công tác giảng dạy. Vừa phải chăm lo cho gia đình nhỏ và vừa đi học. Tôi đã phải vừa dạy vừa làm thêm việc giữ trẻ, bán rau cải và cuối tuần phải vượt qua hơn 280km đi về trong hơn hai năm để học xong Thạc sĩ Giáo dục Tiểu học với kết quả bảo vệ luận văn xếp loại xuất sắc và là Thạc sĩ ngành GDTH đầu tiên của tỉnh”, cô Thùy cho biết thêm.
Khi được hỏi về một kỷ niệm sâu sắc nhất trong những năm tháng đi dạy học của mình, cô Thùy cho biết: “Một trong những kỉ niệm làm tôi khó quên nhất là vào năm học 2014 - 2015, lớp tôi được phân công phụ trách có một học sinh không nói được, khả năng chú ý cũng không tốt, em chỉ ú ớ trong miệng mỗi khi em phản ứng điều gì, nhưng có điều em có khả năng nghe được. Trước hoàn cảnh đó, với lòng yêu nghề tình yêu trẻ, tôi đã cố gắng nghiên cứu tìm phương pháp hướng dẫn riêng cho em về cách đánh vần nhận diện từ con chữ cái, từng vần, làm mẫu rồi yêu cầu em quan sát, dần dần tôi giúp em nhận diện cách đánh vần theo mẫu, bên cạnh đó tôi còn hướng dẫn em biết cách tính toán. Qua kỳ khảo sát vào cuối năm em đã biết tính toán, biết nhận diện được chữ bằng cách chỉ nội dung bài theo đúng yêu cầu và kết quả em được đánh giá đủ điều kiện lên lớp. Với kết quả đó đã giúp em thu hẹp khoảng cách với các bạn, hòa nhập tốt với bạn bè cùng trang lứa. Nhìn em thành công, tôi vui đến rơi nước mắt”.
Nói về công việc của mình, cô Thùy chia sẻ: Đối với tôi khi đã chọn nghề giáo, tôi đã ý thức mình phải luôn cố gắng trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn đem tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nhiệm có được để giúp đỡ học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tôi không ngừng rèn luyện đạo đức và cập nhật thêm kiến thức để phục vụ vào cuộc sống và công tác giảng dạy. Chưa bao giờ tôi nhận thấy mình biết được bao nhiêu là đủ và cũng chưa bao giờ tôi nhận thấy mình đã thành công hơn mọi người. Bởi mỗi một nơi, một môi trường giáo dục và học sinh khác nhau. Ngoài kia còn biết bao người có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi, họ vẫn cố gắng vươn lên từng ngày để đem lại nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống. Chính vì vậy, tôi đã không cho phép mình dừng lại trong bất kì hoàn cảnh nào. Thời gian tới bản thân tiếp tục nghiên cứu học tập, rèn luyện đạo đức để trở thành tấm gương tốt cho học sinh. Cống hiến công sức cho quê hương xứng đáng là người con của quê hương Cù Lao Dung nơi giàu truyền thống cách mạng và có Đền thờ Bác Hồ, để xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng thêm giàu đẹp.
Chỉ mới 13 năm gắn bó với ngành giáo dục, bằng sự cố gắng và nỗ lực của bản thân, cô Trần Minh Thùy đã đạt được nhiều giải thưởng tại các Hội thi như: Năm học 2014 – 2015, cô đạt giải Nhì trong Hội thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện lần thứ nhất; hai năm sau đó, cô đạt giải Nhất Hội thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện lần thứ hai. Đến năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng tổ chức Hội thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh lần thứ nhất, cô được chọn làm đại diện giáo viên huyện Cù Lao Dung tham gia và đạt Giải Nhất. Ngoài ra, cô còn đạt giải Nhất thực hành tiết dạy An toàn giao thông cấp tỉnh năm 2016, giải Khuyến khích Hội thi Kể chuyện Tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh trong Công nhân viên chức lao động tỉnh do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức năm 2008; được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Bí thư huyện ủy tặng Giấy khen giáo viên, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tặng nhiều Bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học; được Bí thư tỉnh Đoàn Sóc Trăng tặng Bằng khen về thành tích “Xuất sắc trong học tập và làm theo lời Bác”; ….. Năm 2019, cô có sáng kiến “Biện pháp giúp học sinh nâng cao khả năng mở rộng vốn từ trong phân môn luyện từ và câu lớp 2” được Hội đồng Khoa học tỉnh Sóc Trăng công nhận là sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra cô còn được các hội đoàn thể của huyện, tỉnh tặng nhiều giấy khen khi tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao do các ban ngành, đoàn thể địa phương phát động và mới đây được Bộ trưởng Bộ GD và ĐT tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào giáo dục. Vinh dự hơn, cô là một trong 13 đại biểu của tỉnh Sóc Trăng dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 12 năm 2020 sắp tới.
Thầy Trần Cẩm Mẫn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Phạm Minh Thùy là một tấm gương sáng của đơn vị. Cô luôn chấp hành tốt sự phân công của lãnh đạo nhà trường, có kế hoạch dạy học và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học, giáo dục chu đáo, khoa học; Tham gia và thực hiện tốt các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và của ngành, kế hoạch nhiệm vụ năm học, đoàn kết với tập thể để hoàn thành nhiệm vụ phân công; Không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên cập nhật và đổi mới phương pháp giảng dạy để giáo dục học sinh đạt hiệu quả cao; Có tác phong sư phạm chuẩn mực, giản dị, gần gũi với học sinh, quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; sống hòa đồng với mọi người, được mọi người quý mến. Nhiều năm liền cô đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lớp do cô phụ trách đều có tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%. Cô là người có chí cầu tiến, hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ, chồng cũng là công chức nhưng cô vẫn hoàn thành chương trình đại học và Thạc sĩ Giáo dục Tiểu học”.
Cô Thùy đang hướng dẫn học sinh làm bài
Cô Thùy và các em học sinh
Cô Thùy tại lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong đại hội thi đua yêu nước
tỉnh Sóc Trăng năm 2020